Khởi sắc ngành công nghiệp chế biến chế tạo Hải Phòng giai đoạn 2016-2020

Thứ năm - 27/01/2022 08:08
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hải Phòng phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2016-2020, tạo nền tảng vững chắc để cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố vào năm 2025

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) của Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 đã có sự phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và thể hiện vai trò quan trọng tạo nền tảng phát triển kinh tế. Hệ thống cơ sở vật chất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô lớn, phong phú về chủng loại, đa dạng về cơ cấu; Tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng trong GRDP thành phố; Năng lực của doanh nghiệp chế biến, chế tạo không ngừng nâng cao; Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu thay đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường thế giới…

Kết quả đạt được của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2016-2020 đạt được như sau: [1]

Năng suất lao động (NSLĐ) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức cao so với các ngành khác. Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hải Phòng, ngành công nghiệp CBCT có NSLĐ cao, sơ bộ năm 2020 đạt 322,5 triệu đồng/lao động, bằng 137,8% mức NSLĐ chung; 92,8% mức NSLĐ ngành công nghiệp; gấp 2,1 lần so với năm 2016, tăng bình quân 18,6%/năm.

 Vốn đầu tư trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn. Sơ bộ năm 2020, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của ngành CBCT đạt 77.672 tỷ đồng, chiếm 45,23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào các ngành kinh tế và gấp 4,3 lần năm 2016; tính chung trong cả giai đoạn 2016-2020 đạt 274.598 tỷ đồng, chiếm 48,8%. Năm 2021 mặc dù diễn biến của dịch Covid-19 hết sức phức tạp nhưng ngành CBCT ước đạt trên 63.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trong tổng vốn toàn xã hội là 36,76%.

 

Chế tạo ô tô tại Tổ hợp Vinfast (Cát Hải) - Nguồn Báo An ninh Hải Phòng

Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội vào ngành khai khoáng có xu hướng ngày càng giảm. Nếu năm 2016, vốn đầu tư vào ngành khai khoáng chiếm 0,27% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thì đến năm 2020 chiếm 0,01%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2016.

Tỷ trọng vốn đầu tư vào ngành CBCT ngày càng tăng lên, vào ngành khai khoáng ngày càng giảm là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hải Phòng đã hướng đến tăng trưởng và phát triển bền vững mà trong đó vai trò của ngành công CBCT ngày càng nâng cao. 

Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội bình quân trong giai đoạn 2016-2020 sơ bộ đạt 30,6%/năm, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 34,72%/năm; riêng vốn đầu tư vào ngành CBCT đạt 38,6%/năm. Tốc độ tăng vốn đầu tư vào ngành CBCT ở mức cao cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm của ngành CBCT ngày càng cao, tác động lan tỏa của ngành CBCT tới các ngành kinh tế khác càng lớn, từ đó đem lại nhiều đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động thành phố Hải Phòng.

Số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp CBCT có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Tại thời điểm 31/12/2020, sơ bộ số doanh nghiệp CBCT đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 2.573 doanh nghiệp, gấp 1,7 lần năm 2016 và chiếm 16,2% tổng số doanh nghiệp của thành phố đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm kim loại đúc sẵn (ngoại trừ máy móc, thiết bị) chiếm tỷ lệ cao nhất 22,4% trong tổng số doanh nghiệp CBCT và chiếm 3,6% toàn bộ doanh nghiệp của thành phố; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị chiếm 9,3% và 1,5%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic chiếm 8,4% và chiếm 1,3%; sản xuất da và sản phẩm liên quan chiếm 5,7% và chiếm 0,9%; doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm chiếm 4,1% và chiếm 0,6%; doanh nghiệp sản xuất trang phục chiếm 5,1% và chiếm 0,8%….

Số lượng lao động ngành công nghiệp CBCT. chiếm tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp ngành khác. Tại thời điểm 31/12/2020, tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp ngành CBCT so với tổng số lao động của toàn bộ doanh nghiệp đạt 64,9%, tăng 5,6 điểm phần trăm so với năm 2016 (59,3%); trong khi đó lao động trong doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 0,4%, giảm 0,04 điểm phần trăm; doanh nghiệp ngành khai khoáng chiếm 0,2%, giảm 0,03 điểm phần trăm; doanh nghiệp dịch vụ chiếm 27,1%, tăng 3,8 điểm phần trăm.

Trong doanh nghiệp CBCT, lao động tập trung chủ yếu trong doanh nghiệp ngành sản xuất trang phục (chiếm 20,1% tổng số lao động của doanh nghiệp CBCT và chiếm 13,1% lao động của toàn bộ doanh nghiệp toàn thành phố); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (chiếm 19,1% và 12,5%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm 13,3% và 8,7%); sản xuất ô tô và xe có động cơ (chiếm 9,3% và 6,1%).

 

Hải Phòng thu hút nhiều dự án lớn - Nguồn Tạp chí Công thương

Lợi nhuận của doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh ở mức khá. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp CBCT đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 56% tổng số lợi nhuận của toàn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh và gấp 2,5 lần năm 2016; tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lợi nhuận trước thuế giảm mạnh so với 2019, theo kết quả sơ bộ đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,03% so với tổng số toàn doanh nghiệp. Trong đó, năm 2020 lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 71,5% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; sản xuất sản phẩm từ cao su và flastic đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8%; sản xuất máy móc, thiết bị khác khác đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4%; sản xuất hóa chất đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,5%... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế (âm) như sản xuất ô tô và xe có động cơ -14 nghìn tỷ đồng; sản xuất phương tiện vận tải khác -1,7 nghìn tỷ đồng. Bình quân trong giai đoạn 2016-2020, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp CBCT tăng 8,8%/năm, do nguyên nhân tăng thấp chủ yếu năm 2020 ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nên lợi nhuận trước thuế của ngành công nghiệp CBCT chỉ đạt 1,9 nghìn tỷ đồng.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng cao. Bình quân giai đoạn 2016-2020, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành CBCT tăng 22,59%/năm, cao hơn IIP của toàn ngành công nghiệp (20,64%/năm). Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng IIP của ngành công nghiệp lần lượt là 16,9%; 22%; 25,3%; 24,3 và 14,6%; trong đó tốc độ tăng IIP của ngành CBCT là 18,5%; 25,7%; 27,6%; 25,5% và 16,1%. Năm 2021, tốc độ tăng IIP ngành CBCT là 19,28% cao hơn tốc độ tăng IIP của toàn ngành công nghiệp (18,15%).

Đóng góp vào tăng trưởng tích cực của giá trị sản xuất ngành CBCT trong giai đoạn này là các ngành công nghiệp trọng điểm có tốc độ tăng chỉ số sản xuất cao và ổn định, như ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, ngành may trang phục.

Quy mô, cơ cấu ngành công nghiệp CBCT tiếp tục được mở rộng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Hải Phòng giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến chế tạo bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 23,24%/năm; năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt 22,46% cao hơn tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (20,75%); tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP cao nhất trong các ngành công nghiệp và tăng liên tục qua các năm, từ chiếm tỷ lệ 25,1% GRDP năm 2016 lên 39,1% GRDP năm 2020 và 45,37% năm 2021. Đóng góp lớn cho việc gia tăng tỷ trọng này là sự phát triển ổn định của ngành thép, dệt may, da giày, thiết bị điện... đặc biệt là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, truyền thông ngày càng phát triển nhờ thu hút khối lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, sản phẩm mới trong nước, điển hình như ô tô của công ty TNHH kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast nhân tố chính tác động tới quá trình dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp.

Dù đạt được những thành tựu đáng kể song công nghiệp chế biến chế tạo cũng còn những hạn chế nhất định.  Do độ mở kinh tế Hải Phòng lớn (năm 2020 là 157%), ngành công nghiệp CBCT phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới, điển hình như đại dịch Covid-19….

Các doanh nghiệp trong nước đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu; việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp CBCT còn yếu; sản xuất các sản phẩm phụ trợ còn thiếu nhiều chủng loại. Phần lớn doanh nghiệp CBCT là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhìn chung thấp.

Để ngành công nghiệp CBCT phát huy được vai trò động lực của nền kinh tế với đầy đủ bản lĩnh trước những thách thức cơ hội mới, cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Nâng cao trình độ lao động đã qua đào tạo đang làm việc trong các ngành kinh tế, giảm tỷ trọng lao động chưa qua đào tạo về chuyên môn kỹ thuật. Triển khai các hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn.

Tập trung đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm mũi nhọn có lợi thế so sánh và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế nhằm lôi kéo toàn bộ ngành công nghiệp CBCT cùng phát triển theo.

Nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Có chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp CBCT theo hướng ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thu hút FDI chất lượng cao, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp chế biến trong nước. Có tiêu chí sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm thu hút đầu tư theo đúng nhu cầu của nền kinh tế. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, xây dựng năng lực giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

        Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghệ cao là một nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng quốc gia khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.



[1] Nguồn số liệu: Niên giám, Báo cáo đánh giá KTXH các năm Cục Thống kê TP Hải Phòng.

Tác giả bài viết: Lê Gia Phong - Cục trưởng Cục Thống kê TP Hải Phòng

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê thành phố Hải Phòng" hoặc "https://thongkehaiphong.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây