Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3, 3 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng

Thứ sáu - 29/03/2024 14:58

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 3, QUÝ I NĂM 2024

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

 

1. Về tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I năm 2024 ước tăng 9,32% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 7 cả nước và thứ 3 vùng đồng bằng Sông Hồng. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,08%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,24%, đóng góp 5,9 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8%, đóng góp 3,07 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,79%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. 

2. Hoạt động tài chính, ngân hàng

2.1 Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 3/2024 ước đạt 7.432,8 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 2.947,1 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.485,7 tỷ đồng. Ước 3 tháng/2024 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 26.472,2 tỷ đồng, đạt 24,8% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 110,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 12.904,7 tỷ đồng, đạt 28,68% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 158,69% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 12.627,2 tỷ đồng, đạt 21,05% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và bằng 86,35% so với cùng kỳ năm trước. 

Ước tính 3 tháng/2024, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 664,7 tỷ đồng, bằng 90,46% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.947,7 tỷ đồng, bằng 162,64%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 2.319,3 tỷ đồng, bằng 99,39%; các khoản thu về nhà, đất đạt 4.963,3 tỷ đồng, bằng 414,33%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 12.356 tỷ đồng, bằng 128,86%;...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 3/2024 ước đạt 2.082,3 tỷ đồng. Ước 3 tháng/2024 tổng chi ngân sách địa phương đạt 5.904,4 tỷ đồng, đạt 14,85% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 89,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong chi cân đối ngân sách địa phương, chi đầu tư phát triển ước đạt 2.406 tỷ đồng, đạt 12,63% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 65,95% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 3.238,7 tỷ đồng, đạt 20,15% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 115,95% so với cùng kỳ năm trước. 

2.2 Ngân hàng

* Công tác huy động vốn

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/3/2024 đạt 332.630 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 317.004 tỷ đồng, tăng 11,23% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,3%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 15.626 tỷ đồng, giảm 3,53% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 4,7%.

Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 195.479 tỷ đồng, tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 58,77%; tiền gửi thanh toán ước đạt 133.627 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 40,17%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 3.524 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,06%.

* Công tác tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 31/3/2024 ước đạt 209.037 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND ước đạt 200.022 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,69%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 9.015 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 4,31%.

Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 114.189 tỷ đồng, tăng 17,92% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 54,63%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 94.848 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 45,37%. 

3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Tháng 3/2024, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giảm so với tháng 02/2024 giá đặc biệt là các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm. Đây là nguyên nhân làm cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,2% so với tháng trước; tăng 0,92% so với tháng 12/2023 và tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 3/2024 giảm 0,2% (khu vực thành thị giảm 0,29%; khu vực nông thôn giảm 0,19%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 07 nhóm có chỉ số giá giảm, 04 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước. 

So với tháng 12/2023, CPI tháng 3/2024 tăng 0,92%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm giảm giá.

So cùng kỳ năm trước, CPI tháng 03/2024 tăng 3,32%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá.

Bình quân 3 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,36% so với cùng kỳ năm trước.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:

- Giá vàng trong nước trong những ngày đầu tháng 3/2024 liên tiếp lập đỉnh. Chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,54% so với tháng trước, tăng 9,62% so với tháng 12/2023 và tăng 25,08% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 3 tháng đầu năm 2024, giá vàng trong nước tăng 20,53% so với cùng kỳ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2024 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,56% so với tháng 12/2023 và tăng 4,13% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 3/2024 dao động ở mức 24.865 đồng/USD, tăng 173,85đồng/USD. Bình quân 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,93% so với cùng kỳ.

4. Đầu tư 

Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn thành phố quý I năm 2024 ước đạt 38.159,1 tỷ đồng, tăng 8,13% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực vốn nhà nước có mức tăng cao nhất, tăng 44,46%, chiếm cơ cấu 11,14%; khu vực ngoài nhà nước tăng 3,78%, chiếm cơ cấu 31,97%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,42% so với cùng kỳ, đây là khu vực có đóng góp nhiều nhất trong tổng vốn đầu tư thực hiện quý I của thành phố, với cơ cấu chiếm 56,89%.  

Vốn đầu tư khu vực Nhà nước thực hiện quý I năm 2024 ước đạt 4.248,9 tỷ đồng, tăng 44,46% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.295,9 tỷ đồng, tăng 7,25% (tăng 155,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ. 

Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước quý I năm 2024 ước đạt 12.200,4 tỷ đồng, tăng 3,78% so với cùng kỳ, trong đó: Nguồn vốn từ tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 8.335,2 tỷ đồng, tăng 7,90%; nguồn vốn từ dân cư ước đạt 3.865,2 tỷ đồng, giảm 4,13% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đầu tư thực hiện quý I ước đạt 21.709,8 tỷ đồng, tăng 5,42% so với cùng kỳ. Nguồn vốn thực hiện được tập trung chủ yếu ở 3 nhà máy của tập đoàn LG tại Hải Phòng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng đẩy mạnh đầu tư như: Công ty TNHH Regina Miracle Internation Việt Nam; Công ty TNHH Pegatron Việt Nam; Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng; Công ty TNHH điện tử TONGWEI (Việt Nam); Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam.

Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2024 đạt 212,45 triệu USD, trong đó:

Vốn đăng ký cấp mới có 22 dự án đến từ 5 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 156,19 triệu USD. Trong đó, cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 13 dự án, đạt 154,5 triệu USD, (chiếm 98,92%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 9 dự án đạt 1,69 triệu USD (chiếm 1,08%).  

Vốn đăng ký điều chỉnh có 10 dự án, với số vốn tăng là 53,75 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế có 6 dự án, vốn đầu tư tăng là 16,6 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 4 dự án, vốn đầu tư tăng là 37,15 triệu USD. 

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 8 lượt dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 2,51 triệu USD (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế).

Cũng từ đầu năm đến 20/3/2024, có 06 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động, trong đó có 3 dự án nằm trong khu công nghiệp, 3 dự án ngoài khu công nghiệp.

5. Hoạt động của doanh nghiệp

* Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Dự kiến trong tháng 3 năm 2024, toàn thành phố có 310 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 15,76% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký ước đạt 1.732,3 tỷ đồng, giảm 17,31% so với cùng kỳ năm trước. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới trong tháng là 178 cơ sở. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 158 đơn vị. 

Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố có 817 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,22% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký ước đạt 4.979,3 tỷ đồng, tăng 6,64%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 6,09 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 444 cơ sở. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 1.213 đơn vị. 

Dự kiến trong tháng 3 năm 2024, thành phố có 40 doanh nghiệp và 53 đơn vị phụ thuộc tiến hành thủ tục giải thể. Tính chung 3 tháng/2024, số doanh nghiệp dự kiến thực hiện thủ tục giải thể là 135 và đối với các đơn vị phụ thuộc là 277 cơ sở.

* Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 194 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 17,71% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2024 so với quý IV/2023 của doanh nghiệp tốt lên; 42,19% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 40,1% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 90% doanh nghiệp cho rằng tốt lên và giữ ổn định; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lần lượt là 47,73% và 68,08% 

Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2024 so với quý I/2024 được 48,96% số doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 34,89% số doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và 16,15% số doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn. Trong đó: khu vực nhà nước đánh giá lạc quan nhất với 90% số doanh nghiệp đánh giá tốt lên và giữ ổn định; khu vực FDI có 81,82% số doanh nghiệp đánh giá tốt lên và giữ ổn định, khu vực ngoài nhà nước có 85,11% số doanh nghiệp đánh giá tốt lên và giữ ổn định.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

* Nông nghiệp

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông trên địa bàn thành phố đạt 6.500,8 ha, bằng 99,31% so với vụ Đông năm trước. Diện tích cây vụ Đông giảm là do chuyển dịch lao động từ sản xuát nông nghiệp sang các khu công nghiệp, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp còn thấp... Diện tích cây trồng giảm dẫn đến sản lượng thu hoạch cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cây ngô đạt 1.335,4 tấn, bằng 94,43% so với vụ Đông năm trước; cây khoai lang đạt 3.358,5 tấn, bằng 81,83%; cây rau các loại đạt 110.640 tấn, bằng 99,28%, trong đố một số cây trồng trong nhóm rau, đậu các loại có sự biến động lớn về sản lượng: cây rau mùng tơi đạt 3,2 nghìn tấn (tăng 455 tấn); dưa hấu đạt 2 nghìn tấn (giảm 406 tấn); dưa chuột đạt 6,4 nghìn tấn (tăng 516 tấn); cà chua thực hiện 10,5 nghìn tấn (giảm 573 tấn); bí xanh thực hiện 2,7 nghìn tấn, (giảm 435 tấn), ...

Năng suất cây ngô ước đạt 54,24 tạ/ha, bằng 98,73%; cây khoai lang ước đạt 121,1 tạ/ha, bằng 98,16%; nhóm cây rau các loại ước đạt 241,62 tạ/ha, bằng 99,82% so với cùng kỳ năm trước.     

Tính đến ngày 15/3/2024, trên địa bàn thành phố đã gieo cấy xong diện tích lúa, các loại cây trồng khác trong vụ Xuân tiếp tục được mở rộng diện tích sản xuất.

Ước tính diện tích cây vụ Xuân đã gieo trồng đạt 32.845,4 ha, bằng 92,62% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích cây lúa đạt 26.880 ha, bằng 97,43%; các loại cây cây hàng năm khác đạt 5.965,4 ha, bằng 75,76% (rau các loại ước đạt 2.926,3 ha, bằng 71,94%; cây khoai lang ước đạt 172,4 ha, bằng 57,9%; cây thuốc lào ước đạt 1.768,5 ha, bằng 98,33%...).

Trong thời gian tới các địa phương cần tập trung cao cho công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt, chăm sóc cây trồng đảm bảo điều kiện phát triển tốt nhất; tăng cường công tác diệt chuột và các đối tượng dịch hại khác để bảo vệ sản xuất. 

Ước tính tháng 3 năm 2024, đàn trâu, đàn bò tiếp tục có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Tổng đàn trâu ước đạt 4.281 con, giảm 4,89% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 7.105 con, giảm 2,79%. 

Chăn nuôi lợn có xu hướng tăng nhẹ và tăng chủ yếu ở các hộ có quy mô lớn, nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Tổng đàn lợn ước đạt 144.009 con, tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn gia cầm ước đạt 8.205,9 nghìn con, tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 6.769,1 nghìn con, tăng 2,81%, đàn vịt, ngan đang có xu hướng giảm sau do giá bán sản phẩn không bù đắp được chi phí sản xuất nên nhiều hộ chăn nuôi giảm quy mô. 

* Tình hình chăn nuôi quý I năm 2024:

Chăn nuôi lợn và gia cầm trong 3 tháng đầu năm tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Trên địa bàn thành phố không xuất hiện những ổ dịch bệnh lớn, những điểm dịch nhỏ lẻ được phòng trừ và theo dõi triệt để không gây ảnh hưởng đến sản xuất chung của ngành. 

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I/2024 ước đạt 140 tấn, bằng 88,03% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò hơi xuất chuồng 202 tấn, bằng 95,73%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 8.185 tấn, bằng 103,69%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 17.420 tấn, bằng 101,26%, trong đó thịt gà ước đạt 14.091 tấn, bằng 104,02%.

* Lâm nghiệp

Tháng 3 năm 2024, sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn thành phố ước đạt 110,4 m3, bằng 96,67% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 2.105,8 ste, bằng 96,09%.

Ước tính quý I/2024, sản lượng gỗ khai thác đạt 353 m3, bằng 96,05% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 8.853,9 ste, bằng 95,53%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 40 nghìn cây, bằng 88,69%. 

Trong quý I/2024, xảy ra 02 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị thiệt hại là 3,9 ha. 

* Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 3 năm 2024 ước đạt 16.925,6 tấn, tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2024, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 49.431,2 tấn, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 3/2024 ước đạt 6.608,6 ha, tăng 1,34% so cùng kỳ năm trước. Ước tính quý I năm/2024, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 8.285,4 ha, tăng 0,46%. 

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 3/2024 ước đạt 6.635,8 tấn, tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính quý I/2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 21.629,5 tấn, tăng 2,6%, bao gồm: cá các loại đạt 13.807,3 tấn, tăng 2,86%; tôm các loại đạt 1.738,3 tấn, tăng 2,73%; thủy sản khác đạt 6.083,9 tấn, tăng 1,97%. 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 3/2024 ước đạt 10.289,8 tấn, tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính quý I/2024, sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố đạt 27.801,7 tấn, tăng 0,82%% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá các loại đạt 16.629,1 tấn, tăng 1,18%; tôm các loại đạt 2.330,5 tấn, giảm 0,59%; thủy sản khác đạt 8.842,1 tấn, tăng 0,53%. Khai thác biển chiếm 95,52% tổng sản lượng khai thác thủy sản, sản lượng ước đạt 26.556,2 tấn, tăng 0,78% so với cùng kỳ năm trước.

7. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3/2024 ước tính tăng 38,92% so với tháng 02/2024 và tăng 10,38% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung  quý I năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 12,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngành kinh tế cấp 1 đều có tăng trưởng dương: ngành khai khoáng tăng 16,84%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,22%, đóng góp 10,79 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 23,61%, đóng góp 1,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,97%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong quý I năm 2024, một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay và đồ kim loại thông dụng tăng 103,63%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 91,87%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 76,17%; sản xuất máy chuyên dụng khác tăng 65,81%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 63,70%; sản xuất đồ gỗ xây dựng tăng 58,68%;...

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sửa chữa thiết bị điện giảm 50,10%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 27,02%; chế biến và bảo quản thủy sản giảm 26,04%; sản xuất sản phẩm khác từ cao su giảm 24,97%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa giảm 20,70% so với cùng kỳ.

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I năm 2024 dự kiến  tăng cao so với cùng kỳ năm trước: máy tính xách tay sản xuất đạt 100,5 nghìn cái, tăng 157,28%; sản phẩm gỗ ốp lát sản xuất đạt 10.391,7 m3, tăng 134,96%; bộ sản phẩm tổ hợp bằng kim loại sản xuất đạt 6,4 triệu cái, tăng 103,63%; bao bì và túi bằng giấy sản xuất đạt 41,9 triệu chiếc, tăng 87,88%; thiết bị ngoại vi của máy vi tính sản xuất đạt 7,2 triệu sản phẩm, tăng 84,45%; tủ lạnh sản xuất đạt 65.057 chiếc, tăng 48,71% so với cùng kỳ;...

Một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ: tổ máy phát điện sản xuất đạt 47 bộ, giảm 71,86%; máy chơi game sản xuất đạt 186,1 nghìn chiếc, giảm 41,40%; thuốc lá có đầu lọc sản xuất đạt 14,5 triệu bao, giảm 27,02%; cà phê đen hòa tan sản xuất đạt 345 tấn, giảm 14,94%; bia đóng chai sản xuất đạt 423,9 nghìn lít, giảm 11,74%;...

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 năm 2024 tăng 25,75% so với tháng 02/2024 và tăng 17,01% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ tăng 18,40% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất xe có động cơ tăng 358,14%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 164,14%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 45,52%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 43,54%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 34,42%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 26,29%;...

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh giảm 73,55%; sản xuất bi, bánh răng, hộp số giảm 58,73%; may trang phục giảm 30,08%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 28,57%; sản xuất mô tơ, máy phát điện, biến thế điện giảm 25,60%;...

* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/3/2024 tăng 12,29% so với trước và tăng 16,42% so với cùng kỳ.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ: sản xuất bi, bánh răng, hộp số tăng 200,81%; sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 165,01%; sản xuất xe có động cơ tăng 128,91%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao tăng 108,94%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn tăng 94,33%; may trang phục tăng 64,98%;...

Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: sản xuất các sản phẩm từ giấy (trừ giấy nhăn) giảm 78,68%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 74,46%; sản xuất các sản phẩm khác từ cao su giảm 67,91%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 50,75%;... so với cùng kỳ.

* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2024 dự kiến tăng 1,25% so với tháng 2/2024 và tăng 1,25% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 9,15%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 9,87%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,61%. Tại thời điểm trên, trong các ngành kinh tế cấp I, chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng tăng 26,09% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,28%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,16%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ gồm: khai khoáng tăng 26,09%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 22,76%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,30%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,12%; sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 6,50%;... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số giảm như: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 17,15%; sản xuất kim loại giảm 14,27%; sản xuất giày dép giảm 10,62%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 6,28%; sản xuất trang phục giảm 3,91%.

8. Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2024 ước đạt 18.078,0 tỷ đồng, tăng 3,46% so với tháng trước, tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính quý I/2024 ước đạt 53.693,1 tỷ đồng, tăng 13,39% so với cùng kỳ năm trước, bằng 24,13% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2024 đạt 222.550 tỷ đồng). 

- Hoạt động bán lẻ:

* Tháng 3/2024

Doanh thu tháng 03 ước đạt 15.119,2 tỷ đồng, tăng 2,18% so với tháng trước, tăng 14,52% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 1,72% tháng trước, tăng 14,85% so với cùng kỳ; hàng may mặc tăng 3,46%, tăng 13,19% so với cùng kỳ; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 3,17%, tăng 14,74% so với cùng kỳ; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 1,82%, tăng 13,27% so với cùng kỳ; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 0,94%, tăng 13,19% so với cùng kỳ; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 1,16%, tăng 14,96% so với cùng kỳ; phương tiện đi lại khác tăng 2,51%, tăng 13,43% so với cùng kỳ; xăng dầu các loại tăng 1,30%, tăng 14,58% so với cùng kỳ; nhiên liệu khác tăng 2,78%, tăng 13,48% so với cùng kỳ; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 2,68%, tăng 16,05% so với cùng kỳ; hàng hóa khác tăng 3,06%, tăng 14,01% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 0,96%, tăng 14,28% so với cùng kỳ.

* Quý I/2024

Doanh thu hoạt động bán lẻ quý I năm 2024 ước đạt 45.157,2 tỷ đồng, tăng 14,03% so với cùng kỳ và tăng ở hầu hết các ngành hàng. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 14,20%; hàng may mặc tăng 13,66%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,18%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 13,35%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,43%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 14,00%; phương tiện đi lại khác tăng 14,03%; xăng dầu các loại tăng 14,10%; nhiên liệu khác tăng 14,41%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 14,01%; hàng hóa khác tăng 13,58%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 14,19%.

- Hoạt động dịch vụ: 

* Tháng 3/2024

Doanh thu hoạt động các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí của thành phố trong tháng 3 năm 2024 tăng cao hơn so với tháng trước, cụ thể như sau:

- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 3 năm 2024 ước đạt 181,0 tỷ đồng, tăng 11,20% so với tháng trước và tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 3 năm 2024 ước đạt 1.892,6 tỷ đồng, tăng 14,53% so với tháng trước và tăng 15,09% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 3 năm 2024 ước đạt 19,3 tỷ đồng, tăng 2,04 lần so với tháng trước và tăng 4,71% so với cùng kỳ năm 2023. 

- Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng 3 năm 2024 ước đạt 865,8 tỷ đồng, tăng 1,65% so với tháng trước và tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước. 

* Quý I/2024

Tính chung quý I năm 2024, doanh thu các hoạt động dịch vụ lưu trú ăn uống và dịch vụ khác đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó: dịch vụ lưu trú ước đạt 488,5 tỷ đồng, tăng 13,31%, dịch vụ ăn uống 5.433 tỷ đồng, tăng 13,52% và dịch vụ khác 2.578,1 tỷ đồng, tăng 3,09% so với cùng kỳ. 

- Hoạt động lưu trú và lữ hành

Tổng lượt khách tháng 3 năm 2024 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 580,6 nghìn lượt, tăng 11,65% so với tháng trước và tăng 11,65% so với cùng kỳ. Trong đó, lượt khách quốc tế tháng 3/2024 ước đạt 89,5 nghìn lượt, tăng 14,62% so với tháng trước, tăng 1,16% so với cùng kỳ. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1.601,2 nghìn lượt, tăng 10,92 % với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 3 tháng ước đạt gần 241 nghìn lượt, tăng 1,43% so với cùng kỳ. 

Đối với hoạt động du lịch lữ hành trong quý I năm 2024 đạt 6,8 nghìn lượt, tăng 2,58 lần so với tháng trước và tăng 8,83% so với cùng kỳ. Hoạt động lữ hành tháng 3 tăng chủ yếu do sau Tết Nguyên đán các doanh nghiệp hoạt động du lịch đưa ra nhiều combo bao gồm vé máy bay, phòng nghỉ (khách sạn, resort), vé vui chơi hoặc du thuyền và một số dịch vụ khuyến mại tặng kèm dành cho nhóm khách, gia đình muốn đi du lịch tự túc hay nghỉ dưỡng trong và ngoài nước với giá cả hợp lý. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch theo tour ước đạt 11,7 nghìn lượt, tăng 8,15% so với cùng kỳ.

9. Giao thông vận tải

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến tháng 3 đạt 10.944,1 tỷ đồng, tăng 11,84% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 3 tháng đầu năm 2024 đạt 32.722,4 tỷ đồng, tăng 11,59% so với 3 tháng cùng kỳ năm trước. Cụ thể, hoạt động từng loại hình như sau:

* Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 3 năm 2024 ước đạt 26,4 triệu tấn, tăng 3,25% so tháng trước và tăng 11,47% so cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 11.296,8 triệu tấn.km, tăng 3,10% so tháng trước và tăng 16,04% so tháng cùng kỳ năm trước; doanh thu ước đạt 5.209,2 tỷ đồng, tăng 3,41% so tháng trước và tăng 12,09% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 79,2 triệu tấn, tăng 11,27%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 33.811,9 triệu tấn.km, tăng 14,74%; doanh thu ước đạt 15.579,6 tỷ đồng, tăng 11,77% so với 3 tháng cùng kỳ năm trước.

 * Vận tải hành khách

Số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 7,16 triệu lượt hành khách, giảm 1,23% so tháng trước và tăng 28,97% so tháng cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 319,7 triệu lượt hành khách.km, giảm 1,19% so tháng trước và tăng 29,06% so với tháng cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 20,4 triệu lượt hành khách, tăng 24,60%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 905,2 triệu lượt hành khách.km, tăng 25,13%; doanh thu ước đạt 1.071,5 tỷ đồng, tăng 24,59% so với ba tháng cùng kỳ năm trước. 

* Hoạt động hỗ trợ vận tải

Doanh thu hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải (cảng, bốc xếp, đại lý vận tải,..) trong tháng 3 ước đạt 5.334,8 tỷ đồng, tăng 10,57% so với tháng cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 16.003,4 tỷ đồng, tăng 10,63% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải tiếp tục là mũi nhọn trong hoạt động vận tải của thành phố trong năm 2024.

* Vận tải đường sắt

Tổng doanh thu tháng 3 năm 2024 của Ga Hải Phòng ước đạt 10,5 tỷ đồng, tăng 40,55% so với cùng kỳ. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Ga Hải Phòng ước đạt 33,3 tỷ đồng, tăng 71,74% so với cùng kỳ năm trước.

 * Vận tải hàng không

Tháng 3 năm 2024, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 20,85 tỷ đồng, giảm 7,38% so với tháng trước; giảm 18,08% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 64,63 tỷ đồng, giảm 16,63% so với cùng kỳ.

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 3 năm 2024 ước đạt 1.160 chuyến, giảm 8,81% so với tháng trước, giảm 17,26% so với cùng tháng năm trước. Tháng 3 có 60 chuyến bay ngoài nước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 3.557 chuyến, giảm 21,13% so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách tháng 03 năm 2024 ước đạt 190 nghìn lượt người, giảm 7,53% so với tháng trước, giảm 12,91% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt 578,46 nghìn lượt người, giảm 16,73% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hàng hóa tháng 3 năm 2024 ước đạt 1.220 tấn, tăng 21,88% so với tháng trước, giảm 13,48% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 3 tháng, tổng số hàng hóa ước đạt 3.595 tấn, giảm 11,52% so với cùng kỳ.

10. Hàng hóa thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tháng 3 năm 2024 ước đạt 13,448 triệu TTQ, tăng 23,27% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: 

- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước tháng 3 năm 2024 đạt 4,281 triệu TTQ, tăng 21,22% so với tháng trước, giảm 9,85% so với cùng kỳ năm 2023.

- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 9,167 triệu TTQ, tăng 24,25% so với tháng trước, tăng 20,79% so với cùng kỳ năm 2023.

Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm 2024 đạt 35,748 triệu TTQ, tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2023 trong đó: Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước đạt 12,140 triệu TTQ, tăng 1,59% so với cùng kỳ; Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 23,608 triệu TTQ, tăng 11,55% so với cùng kỳ năm trước.

 * Doanh thu cảng biển 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1.730,816 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.

11. Một số tình hình văn hóa – xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Tháng 3/2024, Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức 03 phiên giao dịch  với sự tham gia tuyển dụng của 50 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng khoảng 4.630 lao động, cung lao động tại Sàn khoảng 5.670 lượt người; ước cấp mới 220 giấy phép lao động, cấp lại 10 giấy phép lao động, gia hạn 50 giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp 05 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đã thực hiện thẩm định 07 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 02 doanh nghiệp; đã tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 06 doanh nghiệp. Xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển Quan hệ Lao động năm 2024. Trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, ngừng việc; xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm chết 01 người (cùng kỳ năm 2023, không xảy ra tai nạn lao động làm chết người).

Trong Quý I/2024, ước giải quyết việc làm được 14.450 lượt lao động, bằng 24,96% kế hoạch năm và bằng 100,1% so với cùng kỳ năm 2023. Số lao động giải quyết việc làm tăng so với cùng kỳ năm 2023 chủ yếu do dịch Covid-19 không còn tác động và tình hình địa - chính trị trên thế giới đã giảm ảnh hưởng nên các doanh nghiệp đã dần đi vào ổn định sản xuất kinh doanh.

Tình hình lao động việc làm của thành phố Hải Phòng trong quý I/2024 có xu hướng giảm về quy mô lực lượng lao động so với quý IV/2023. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 936,3 nghìn người (bằng 91,16% so với quý IV/2023), lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 918,4 nghìn người (bằng 91,13% so với quý IV/2023). Cơ cấu lao động có việc làm có xu hướng tăng trong nhóm ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ, khi các dự án quan trọng của thành phố được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Doanh nghiệp, người lao động, người dân được quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất. 

* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Tháng 3/2024, các Cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức tiếp nhận cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy cho 88 người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 15 người. Điều trị Methadone toàn thành phố (16 cơ sở) cho 3.741 người, trong đó ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đang quản lý 06 cơ sở điều trị cho 1.155 người. Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tập trung rà soát, nắm tình hình để xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố

Trong quý I/2024, tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 1.354 lượt người, bằng 133,79% so với cùng kỳ năm trước. Điều trị Methadone toàn thành phố (16 cơ sở) cho 3.741 người, trong đó 06 cơ sở thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội điều trị cho 1.193 người, bằng 94,2% so với cùng kỳ năm trước. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 61 người, bằng 122% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 29/02/2024, các quận, huyện đã tổ chức đưa được 109 người nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy, đạt 25% (109/435) so với chỉ tiêu được Ủy ban nhân dân thành phố giao năm 2024. Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tiến hành rà soát nắm tình hình các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 715/QĐ-SLĐTBXH ngày 11/01/2024 về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra năm 2024 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để xây dựng và ban hành Kế hoạch số 46/KH-CCPCTNXH ngày 07/02/2024 về việc tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2024; đồng thời theo đề xuất của Thành viên Đoàn kiểm tra, Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 02 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện Kiến Thụy, gồm: Khách sạn Núi Đối và Nhà nghỉ Phố Núi.

* Công tác Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 3/2024, Ngành GDĐT tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 15/01/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Triển khai lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025; hoàn thiện biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố cấp THCS năm học 2023-2024. Xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 và kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Thẩm định ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Ban hành Công văn hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp và tập huấn phần mềm tuyển sinh đầu cấp.

* Công tác Y tế 

Trong tháng 3/2024, thành phố tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành công tác y tế dự phòng, các bệnh lưu hành và bệnh truyền nhiễm mới nổi. 

Thường xuyên cập nhật các thông tin về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi được ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phối hợp với các đơn vị y tế khác xử lý ổ dịch không để bùng phát tại cộng đồng. Tăng cường công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân: Sốt xuất huyết, viêm não vi rút, cúm mùa, …

Thực hiện 36 lượt giám sát ca bệnh truyền nhiễm và huyết thanh tại các bệnh viện tuyến thành phố: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Trẻ em, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế. Đẩy mạnh công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng để từng bước nâng cao số lượng và chất lượng các kênh giám sát tại các tuyến từ xã/phường, quận/huyện đến tuyến thành phố.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong tháng 3/2024, bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2023 của Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương tại thành phố Hải Phòng. Ban hành Quyết định số 33/QĐ-ATTP ngày 13/3/2024 về việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với các bếp ăn tập thể, nhà ăn, căng tin ăn uống và các cơ sở kinh doanh suất ăn sẵn năm 2024 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tiếp nhận 03 bộ hồ sơ tự công bố chất lượng thực phẩm. Tiếp nhận và cấp 22 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Y tế quản lý.

Tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm lễ hội xuân 2024, đặc biệt nguy cơ ngộ độc thực phẩm do rượu, ngộ độc thực phẩm do sử dụng dịch vụ cỗ di động, thức ăn đường phố, hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. 

Trong tháng 3 năm 2024 trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố mất an toàn thực phẩm.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Trong tháng báo cáo, ghi nhận ca nhiễm HIV mới là 11 trường hợp, giảm 14 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (25 trường hợp). Lũy tích số người nhiễm HIV là 11.859 trường hợp, trong đó số trường hợp còn sống là 6.404 trường hợp. Trong tháng ghi nhận 05 trường hợp tử vong, giảm 02 trường hợp so với cùng kỳ năm trước (07 trường hợp). 

Tính đến tháng thời điểm báo cáo, tổng số cơ sở điều trị Methadone 17 cơ sở tổng số bệnh nhân điều trị  3.706 người, đạt 81% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì  95%; Ngành Y tế điều trị Methadone cho 2591 (70%). 

* Công tác văn hóa – thể thao

Trong tháng 3/2024, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và gia đình; công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động lĩnh vực ngành quản lý trên địa bàn thành phố. 

Thực hiện vở kịch nói “Macbeth” - Đề án Sân khấu truyền hình tháng 03/2024 truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng. Tiếp tục tổ chức thực hiện các Chương trình nghệ thuật thuộc Đề án Nghệ thuật đường phố; các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật vào các ngày cuối tuần tại Nhà Kèn vườn hoa Nguyễn Du, thành phố Hải Phòng; các chương trình theo Kế hoạch Sáng đèn Nhà hát thành phố.

Tổ chức Giải Vô địch Vật Tự do - Vật Dân tộc (mở rộng) Cúp Báo Hải Phòng lần thứ 31 năm 2024. Triển khai các công tác chuẩn bị tổ chức Lễ Hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2024. Tổ chức thành công Lễ hội Nữ tướng Lê Chân năm 2024, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân, giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố.

* Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/02/2024 đến ngày 14/3/2024, toàn thành phố xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 02 vụ tai nạn giao thông đường sắt; làm 16 người chết và 25 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông tăng 32 vụ, cố người chết tăng 9 người và số người bị thương tăng 23 người. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  

Trong quý I/2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 185 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 04 vụ tai nạn giao thông đường sắt và 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 67 người và bị thương 144 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 171 vụ; số người chết tăng 49 người; số người bị thương tăng 141 người.

* Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/02/2024 đến ngày 14/3/2024, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 20 vụ cháy, không gây thiệt hại về người; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản.

Trong quý I/2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 65 vụ cháy, số người chết là 04 người và bị thương 01 người; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp; một số vụ cháy thảm thực bì rừng; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

 

Tác giả bài viết: CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây