Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng 10 tháng năm 2022

Thứ hai - 31/10/2022 16:56

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 10, 10 THÁNG NĂM 2022

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

          

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Hoạt động tài chính, ngân hàng

1.1 Tài chính

Ước tính 10 tháng năm 2022, hoạt động tài chính trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định, thành phố chỉ đạo tích cực quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... 

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 10 năm 2022 ước đạt 7.954,9 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa ước đạt 3.128,7 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.823 tỷ đồng. Ước 10 tháng/2022 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 86.685,3 tỷ đồng, đạt 82,1% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 115,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 29.865,2 tỷ đồng, đạt 72,8% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 113% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 55.426,3 tỷ đồng, đạt 92,4% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 117,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính 10 tháng/2022, trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 2.417,7 tỷ đồng, đạt 81,4% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 100,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.855,7 tỷ đồng, đạt 106,7% và bằng 128,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 6.618,3 tỷ đồng, đạt 60,6% và bằng 85%; thuế thu nhập cá nhân đạt 3.191,3 tỷ đồng, đạt 96,1% và bằng 114,6%; phí, lệ phí đạt 1.653,2 tỷ đồng, đạt 82,7% và bằng 105%...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 10 năm 2022 ước đạt 3.447,9 tỷ đồng; ước 10 tháng/2022 đạt 20.456 tỷ đồng, đạt 56,3% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 110,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tổng chi đầu tư phát triển đạt 10.073,4 tỷ đồng, đạt 55,5% và bằng 119,1%; chi thường xuyên đạt 9.643,3 tỷ đồng đạt 70% và bằng 105,6% .

1.2. Ngân hàng

Hoạt động ngân hàng 10 tháng năm 2022 trên địa bàn thành phố tiếp tục đảm bảo an toàn, hiệu quả; mở rộng, phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích, thanh toán không dùng tiền mặt. Ước đến 31/10/2022, tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2% trên tổng dư nợ.

* Công tác huy động vốn

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/10/2022 đạt 276.092 tỷ đồng, bằng 107,39% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 262.375 tỷ đồng, bằng 107,69% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,03%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 13.717 tỷ đồng, bằng 101,88% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 4,97%.

Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 164.669 tỷ đồng, bằng 107,16% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 59,64%; tiền gửi thanh toán ước đạt 105.460 tỷ đồng, bằng 107,57% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 38,2%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 5.964 tỷ đồng, bằng 110,46%, chiếm tỷ trọng 2,16%.

* Công tác tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 31/10/2022 ước đạt 176.955 tỷ đồng, bằng 126,86% so với cùng kỳ năm trước. 

Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND ước đạt 168.163 tỷ đồng, bằng 128,07% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,03%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 8.792 tỷ đồng, bằng 107,43% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 4,97%.

Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 91.305 tỷ đồng, bằng 130,52% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 51,6%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 85.650 tỷ đồng, bằng 123,18% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 48,4%.

2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Trong tháng 10/2022, giá xăng, dầu đã điều chỉnh 03 lần (02 lần tăng và 01 lần giảm), bình quân giá xăng, dầu tháng 10/2022 vẫn thấp hơn tháng 09/2022; nhu cầu sử dụng điện, nước giảm; giá thịt lợn, thịt gà có xu hướng giảm, là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 giảm 0,11% so với tháng trước; tăng 3,91% so với tháng 12/2021 và tăng 4,58% so với cùng kỳ năm trước. 

Bình quân 10 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,87% của 10 tháng đầu năm 2021.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 10/2022 giảm 0,11% (khu vực thành thị giảm 0,15%; khu vực nông thôn giảm 0,05%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 06 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng giảm, 05 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 10/2022 tăng 0,39% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,04%; thực phẩm tăng 0,58% tác động làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,05%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 10/2022 tăng 4,58%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 01 nhóm giảm giá.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 10/2022 tăng 3,91%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng tăng giá.

Trong các nhóm tăng giá:

- Nhóm dịch vụ giáo dục tăng 7,32%, do học phí các cơ sở giao dục tăng vào đầu năm học mới 2022-2023.

-  Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,15%, chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng 10,46%; giá lương thực tăng 2,94%; giá thực phẩm tăng 5,79%.

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,18%, do chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng và chi phí vận chuyển tăng.

Một số nguyên nhân làm tăng CPI 10 tháng đầu năm 2022

- Trong 10 tháng năm 2022, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh 28 đợt, làm cho giá xăng dầu tăng 33,91%, tác động CPI chung tăng 1,17 điểm phần trăm.

- Ăn uống ngoài gia đình tăng 6,52%, làm CPI chung tăng 0,56 điểm phần trăm do nhu cầu ăn uống tăng khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

- Giá thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,09%, làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm do chịu tác động từ chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu đầu vào dùng cho sản xuất tăng.

- Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, tính từ đầu năm đến nay, giá gas tăng 15,11%.

- Dịch vụ du lịch tăng 7,62% so với cùng kỳ, làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm. Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cùng với các chính sách kích cầu du lịch trong nước nên nhu cầu đi du lịch của người dân tăng trở lại.

Nguyên nhân làm giảm CPI 10 tháng đầu năm 2022

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI 10 tháng năm 2022, giá một số mặt hàng thực phẩm giảm như thịt lợn giảm 17,82%; thịt gia súc đông lạnh giảm 10,64%; mỡ động vật giảm 18,99% là nguyên nhân làm giảm CPI 10 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Kết quả thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trong 10 tháng đầu năm 2022 vẫn còn ở mức thấp, ước chỉ đạt khoảng 69% so với kế hoạch năm 2022. Lý do chủ yếu là tiến độ thi công của các dự án chuyển tiếp và tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới còn chậm. Bên cạnh đó thì việc thiếu cát trầm trọng thời gian qua cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công của một số công trình. 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười ước đạt 2.324,16 2 tỷ đồng, tăng 6,20% (tương ứng tăng 135,61 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2021. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố đạt 1.811,74 tỷ đồng, tăng 6,38%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện  đạt 416,87 9 tỷ đồng, tăng 35,94%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 95,55 6 tỷ đồng, chỉ bằng 53,44% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 12.497,99 9 tỷ đồng, tăng 19,57% (tương ứng tăng khoảng 2.045,23 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2021. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 9.068,74 tỷ đồng, tăng 18,64% (tương ứng khoảng tăng 1.424,74 tỷ đồng); vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 2.694,44, tăng 26,15% (tương ứng khoảng tăng 558,52 tỷ đồng); vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 734,8 tỷ đồng, tăng 9,21% (tương ứng khoảng tăng 62 tỷ đồng).

Hiện tại thành phố đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án lớn nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra như: dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, dự án tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến tuyến đường bộ ven biển, dự án cải tạo nâng cấp đường 359 đoạn từ xã Thủy Triều đến Khu công nghiệp bến Rừng - Thủy Nguyên, dự án tuyến đường nối từ cầu Lạng Am xã Lý Học đến tuyến đường bộ ven biển;...

Một số dự án lớn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư cần được quan tâm thúc đẩy nhanh như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - Đường Bùi Viện, dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận, dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352... Các dự án này cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư bám sát kế hoạch đã đề ra để việc giải ngân theo kế hoạch. Việc triển khai các dự án thuộc chương trình công viên cây xanh và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng chú ý, tiến độ giải phóng mặt bằng của nhiều dự án còn chậm và khó khăn, vướng mắc rất nhiều, làm ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Thời gian tới để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, các cấp ngành của thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương và phương án đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng, chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của từng dự án, từng gói thầu để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời để các dự án đầu tư công phát huy hiệu quả vốn đầu tư công, hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đầu tư công, cần phải lập và xác định đơn giá đền bù, địa điểm tái định cư cũng như quản lý nguồn gốc đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu một cách chính xác cho cơ quan chuẩn bị đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định chủ trương đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư.

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 15/10/2022 Hải Phòng có 839 dự án còn hiệu lực:

Tổng vốn đầu tư      :       23.984,60 triệu USD 

Vốn điều lệ              :         7.487,01 triệu USD

Vốn Việt Nam góp  :            226,07 triệu USD 

Nước ngoài góp       :        7.260,94 triệu USD

Từ đầu năm đến 15/10/2022, toàn thành phố có 65 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đạt 919,43 triệu USD. Trong đó cấp mới trong KCN, KKT đạt 803,19 triệu USD, (chiếm 87,36%); cấp mới ngoài KCN, KKT đạt 116,24 triệu USD (chiếm 12,64%).

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 32 dự án, với số vốn tăng là 478,32 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tính từ nửa cuối tháng 9 đến 15/10/2022 có 09 dự án cấp mới và 03 dự án điều chỉnh tăng vốn. Đối với dự án cấp mới và dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký của hoạt động đầu tư đối với các dự án không lớn. 

Cũng từ đầu năm đến 15/10/2022, có 21 dự án chấm dứt hoạt động (16 dự án ngoài KCN, 5 dự án trong KCN) và 01 dự án tạm ngừng hoạt động đến hết năm 2022.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào hoàn tất thu hoạch lúa Mùa và gieo trồng các loại cây màu vụ Đông. Tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản duy trì ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiếp tục được triển khai thực hiện trên toàn thành phố.

4.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

- Sản xuất vụ Mùa

Vụ Mùa năm 2022 tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, các cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân đẩy mạnh mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), giảm thiểu sử dụng các loại thuốc và phân bón hóa học, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững đất trồng lúa trên địa bàn thành phố. Cây lúa có tỷ lệ đẻ nhánh, tỷ lệ hạt chắc cao và ít sâu bệnh, cây trồng hàng năm khác đang trong giai đoạn thu hoạch rộ và cho năng suất ổn định. 

Tính đến trung tuần tháng 10 các cây trồng vụ Mùa đã và đang vào mùa thu hoạch, tổng diện tích cây hàng năm vụ Mùa đã thu hoạch ước đạt 7.665 ha (bằng 22,3% diện tích gieo trồng trong vụ Mùa, bằng 22,09% so với vụ Mùa năm 2021). Trong đó: Diện tích lúa đã thu hoạch ước đạt 3.420 ha, bằng 11,69% so với vụ Mùa năm 2021, đây chủ yếu là những diện tích lúa Mùa sớm hoặc được gieo cấy trên những chân ruộng màu trồng cây vụ Đông; diện tích cây rau các loại đã thu hoạch ước đạt 3.458,4 ha, bằng 87,28% so với cùng kỳ năm trước. 

- Sản xuất vụ Đông

Sau khi thu hoạch những diện tích cấy lúa Mùa sớm, trên những chân ruộng màu trồng cây vụ Đông bà con nông dân đã chủ động làm đất, chuẩn bị mặt bằng để triển khai sản xuất vụ Đông. Tính đến thời điểm trung tuần tháng 10/2022, diện tích cây vụ Đông năm 2023 toàn thành phố đã gieo trồng ước đạt 750 ha, bằng 11,10% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó: Diện tích cây ngô ước đạt 35 ha, khoai lang 15 ha, ớt cay 80 ha, rau các loại 282 ha,... Diện tích cây vụ Đông năm nay ở mức thấp so với cùng kỳ nhiều năm do thời vụ thu hoạch lúa vụ Mùa chậm từ 7 đến 10 ngày. 

Trên diện tích đã gieo trồng cây vụ Đông, cây trồng bắt đầu sinh trưởng, phát triển thân lá. Trong thời gian tới các đơn vị cần tiếp tục tập trung cao cho công tác chỉ đạo sản xuất, phối hợp với các địa phương truyên truyền, chỉ đạo nông dân phấn đấu làm đất chuẩn bị mặt bằng sản xuất để thực hiện gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch trong khung thời vụ tốt nhất. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo diệt chuột và các đối tượng dịch hại khác để bảo vệ sản xuất. 

* Chăn nuôi

Chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn thành phố tiếp tục có xu hướng giảm, tổng đàn trâu ước đạt 4.143 con, giảm 3,99%; đàn bò 7.980 con, giảm 5,21% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng đàn lợn toàn thành hiện phát triển tương đối ổn định, tại thời điểm 01/10 tổng đàn lợn ước đạt 150,28 nghìn con, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tổng đàn gia cầm toàn thành ước đạt 8.657,5 nghìn con, giảm 1,99%; trong đó đàn gà ước đạt 6.515,7 nghìn con giảm 1,81% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cả sản phẩm và vật tư đầu vào: Giá các loại con giống nhìn chung giữ ổn định so với tháng trước, trong đó giá lợn giống 177,64 nghìn đồng/kg, gà ta con giống hơn 26 nghìn đồng/con, vịt con giống 15,6 nghìn đồng/con.

Giá sản phẩm chăn nuôi đầu ra: Giá các sản phẩm chăn nuôi đầu ra giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ. Giá thịt lợn hơi xuất chuồng bình quân đạt 65,16 nghìn đồng/kg, giảm 2,59% so với tháng trước. Giá thịt gia cầm các loại cũng giảm theo giá thịt lợn hơi xuất trong đó gà ta thịt hơi khoảng 98,52 nghìn đồng/kg, giảm 2,04%, gà công nghiệp lông trắng thịt hơi 42,5 nghìn đồng/kg, giảm 3,39% so với tháng trước.

4.2. Lâm nghiệp

Tháng 10 năm 2022, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 78,4 m3, giảm 6,67% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 3.086,1 ste, giảm 5,90%. 

Ước tính 10 tháng năm 2022, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.048,7 m3, giảm 7,01% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 30.886,9 ste, giảm 6,64%; nhìn chung sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn duy trì xu hướng giảm dần.

4.3. Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 10 năm 2022 ước đạt 15.436,0 tấn, tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 159.431,4 tấn, tăng 2,15% so với cùng kỳ năm trước.

* Nuôi trồng

Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 10 năm 2022 ước đạt 6.763,0 ha, tăng 0,97% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 11.452,2 ha, tăng 0,94%.

Nhìn chung, diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố hiện nay có xu hướng ổn định và khó mở rộng diện tích sản xuất, vì thành phố có chủ trương thu hồi các diện tích nuôi thủy sản phục vụ giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển công nghiệp, du lịch và giao thông trọng điểm.  

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 10 năm 2022 ước đạt 6.417,8 tấn, tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 10 tháng năm 2022 sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 61.344,1 tấn, tăng 1,90%, chia ra: cá các loại đạt 40.801,1 tấn, tăng 2,32%; tôm các loại đạt 5.664,2 tấn, tăng 1,74%; thủy sản khác đạt 14.878,8 tấn, tăng 0,83%. 

Các trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt chuẩn bị cho giai đoạn nuôi vỗ cá bố mẹ phục vụ sản xuất giống năm 2023; một số trại giống nước mặn lợ tiếp tục cho sinh sản cua biển, tôm sú và dịch vụ tôm thẻ chân trắng phục vụ nhu cầu thả bù của các ao đầm nuôi. Sản lượng con giống sản xuất 10 tháng ước đạt 1.784,8 triệu con giống các loại, tăng 0,83% so với cùng kỳ năm trước.

* Khai thác 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 10 năm 2022 ước đạt 9.018,2 tấn, tăng 1,58% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố ước đạt 98.087,3 tấn, tăng 2,30% so với cùng kỳ năm trước.

Khai thác thủy sản biển trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa mưa bão cùng với giá dầu nhiên liệu tăng cao. Tuy vậy, với những nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì các dội tàu bám biển, ngành khai thác thủy sản vẫn có sự tăng trưởng trên 2% so với cùng kỳ, tuy nhiên đây là mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước đây.

5. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng Mười tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước tính tăng 9,21% so với tháng trước và tăng 17,21% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất đáp ứng các đơn hàng mùa vụ của những tháng cuối năm. Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 13,86% so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2022 tăng 9,21% so với tháng trước và tăng 17,21% so với cùng kỳ năm trước trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,1% so với cùng kỳ, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 10,46% còn lại 2 ngành có tăng trưởng âm là ngành khai khoáng giảm 14,76%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,14%. 

Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, IIP ước tăng 13,86% so với cùng kỳ năm trước (năm 2018 tăng 26,24%; năm 2019 tăng 24,47%; năm 2020 tăng 14,28%; năm 2021 tăng 19,02%; năm 2022 tăng 13,86%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,8% đóng góp 14,04 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,91% đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung; hai ngành có chỉ số giảm là ngành khai khoáng giảm 20,98% và ngành sản xuất, phân phối điện giảm 2,67% tác động làm giảm tương ứng 0,04 và 0,19 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 10  tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước : sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 4,8 lần; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 3,7 lần với cùng kỳ; sản xuất linh kiện điện tử tăng 43,14%; sản xuất máy chuyên dụng tăng 54,79%; sản xuất mỹ phẩm xà phòng, chất tẩy rửa tăng 35,49%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 43,84%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 38,78%;... Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép giảm 60,37%; sản xuất pin và ắc quy giảm 35,87%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 29,8%; khai thác đá, cát, sỏi đất sét giảm 20,98%; đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 10,89%; sản xuất đồ điện dân dụng giảm 10,01%;...

 * Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2022 ước giảm 5,39% so với tháng trước và tăng 34,16% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn 10 tháng/2022 chỉ số tiêu thụ ước tăng 20,78% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng rất cao (trên 200%) so cùng kỳ như: sản xuất hàng may sẵn tăng 6,5 lần; sản xuất plastic, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh tăng 3,2 lần; chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 2,2 lần.

Một số ngành có mức tăng cao: sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su tăng 43,88%; sản xuất các loại hàng dệt khác tăng 41,57%... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá như: sản xuất bê tông tăng 19,1%; may trang phục tăng 10,96%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 7,95%;... Một số ngành tăng một con số như: sản xuất xi măng, vôi, thạch cao tăng 9,51%; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 8,44%; : sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 7,55%;...

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: chế biến gỗ giảm 59,56%; sản xuất phân bón và hợp chất nito giảm 37,12%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 19,74%; sản xuất vải dệt thoi giảm 19,68%;... 

* Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/10/2022 dự kiến tăng 17,93% so với tháng trước và tăng 41,11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 4,1 lần; sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 5,3 lần; sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại chưa được phân vào đâu tăng 5,6 lần; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 47,58%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 110,5%;… Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất thuốc lá giảm 68,75%; sản xuất bi, bánh răng hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 89,05%; sản xuất giày dép giảm 70,08%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 55,45%;...

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng năm 2022 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: kính nổi và kính đã mài đạt 811,4 nghìn tấn, tăng 4,8 lần; tivi tăng 74,68%; modun camera trên 161,7 triệu cái tăng 108,26%; điện cực kim loại cơ bản (nam châm điện) đạt 8,2 nghìn tấn tăng 66,32%; mạch điện tử tích hợp sản xuất đạt 31,9 triệu chiếc tăng 43,14%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa đạt 60,2 nghìn tấn tăng 35,49%; lốp ô tô sản xuất đạt 2,4 triệu cái tăng 39,29%; máy in offset trên 1,47 triệu chiếc tăng 40,66%; xe máy điện trên 49,6 nghìn chiếc tăng 43,84%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại sản xuất đạt 11,9 nghìn tấn tăng 59,81%;... 

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: phân bón chỉ đạt 161,3 nghìn tấn bằng 70,2% (-29,8%); ắc quy điện các loại đạt 300 nghìn Kwh giảm 35,87%; bia đóng chai đạt 3,3 triệu lít giảm 38,32%; máy giặt đạt 878,1 nghìn cái giảm 20,3%; tàu hải quân giá trị đạt 293,9 tỷ đồng giảm 47,16%; ...

* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2022 dự kiến tăng tăng 0,59% so với tháng 9 và tăng 16,63% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,11%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 17,38%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,51%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong ngành khai khoáng giảm 41,94% so với cùng thời điểm năm trước; ngược lại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất với mức tăng đạt 17,18%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,88%.       

Những ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ gồm: sản xuất thiết bị điện tăng gấp 3 lần; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 68,21%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 64,49%. Những ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm: dệt giảm 61,91%; khai khoáng giảm 41,94%; chế biến gỗ giảm 20,55%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,35%;...

6. Thương mại, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 10/2022 tiếp tục đà tăng trưởng tích cực sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.  Nhu cầu tham quan du lịch của người dân trong tháng giảm nhưng nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng, bên cạnh đó công tác bình ổn thị trường hàng hóa ngày càng phát huy hiệu quả nên dự kiến hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố sẽ khởi sắc hơn trong các tháng còn lại của năm 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2022 ước đạt 14.965,8 tỷ đồng, tăng 1,57% so với tháng trước, tăng 11,65% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 10 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 143.532,2 tỷ đồng, tăng 13,26% so với cùng kỳ năm trước. 

Hoạt động bán lẻ

Doanh thu tháng 10 ước đạt 12.277,7 tỷ đồng, tăng 2,80% so với tháng trước, tăng 13,10% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các nhóm ngành hàng đều có ước tính tăng so với tháng trước; cụ thể: 

Doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 2,29%; hàng may mặc tăng 3,86%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,93%; vật phẩm văn hóa giáo dục giảm 1,18%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,67%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 3,34%; phương tiện đi lại khác tăng 1,50%; xăng dầu các loại tăng 4,76%; nhiên liệu khác tăng 3,57%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 3,62%; hàng hóa khác tăng 1,18%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 4,61%. 

Ước tính 10 tháng năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ đạt 117.188,2 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 12,12%; hàng may mặc tăng 12,26%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,72%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 13,37%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,73%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 12,68%; phương tiện đi lại khác tăng 12,15%; xăng dầu các loại tăng 15,22%; nhiên liệu khác tăng 15,20%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 12,53%; hàng hóa khác tăng 13,11%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 12,17%.

Tình hình hoạt động bán lẻ hàng hóa tháng 10 tiếp tục tăng trưởng ổn định, không có biến động lớn. Nguồn cung các mặt hàng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên sức mua còn chậm, theo hướng chủ yếu tập trung vào mặt hàng thiết yếu. Trên thị trường hiện nay, mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhiều về mức 22.000đ đến 24.000đ/lít, tuy nhiênmặc dù giá hàng hoá đã giảm nhưng chưa tương xứng với đà giảm của xăng dầu, do đó sức mua chưa được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng sức mua của người tiêu dùng trong 3 tháng còn lại của năm nay sẽ tăng cao hơn những tháng của quý 2, quý 3 trước đây.

Hoạt động dịch vụ 

Ước tính doanh thu một số ngành dịch vụ tháng 10 năm 2022 như sau: 

- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 10 năm 2022 ước đạt 166,7 tỷ đồng, giảm 14,47% so với tháng trước và tăng 2,31 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu lưu trú đạt 1.707 tỷ đồng, tăng 60,12% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 10 năm 2022 ước đạt 1.750,8 tỷ đồng, giảm 1,57% so với tháng trước và tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, doanh thu ăn uống đạt 16.245,3 tỷ đồng, tăng 13,23% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 10 năm 2022 ước đạt 11,9 tỷ đồng, giảm 22,3% so với tháng trước (cùng tháng năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động du lịch không có doanh thu). Tính chung 10 tháng/2022, dịch vụ du lịch lữ hành đạt 156,1 tỷ đồng, tăng 3,36 lần so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu dịch vụ khác tháng 10 năm 2022 ước đạt 758,7 tỷ đồng, giảm 5,39% so với tháng trước, giảm 8,19% so với cùng kỳ năm trước. 

Một số ngành dịch vụ so với tháng trước: nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 3,62%. Nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 4,73%, do thời tiết giao mùa đã xuất hiện nhiều bệnh như: viêm phế quản, giãn phế quản, xương khớp, như tay chân miệng,… nên dịch vụ y tế tăng; dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 9,5%, do những tác động từ chính sách pháp luật đang trong quá trình thay đổi, chính sách tiền tệ với việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản.  

Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, hoạt động dịch vụ khác ước đạt 8.235,6 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021.

7. Hoạt động lưu trú và lữ hành

Tổng lượt khách tháng 10/2022 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 510,8 nghìn lượt, giảm 12,78% so với tháng trước và tăng 93,44% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 77,8 nghìn lượt, giảm 1,27% so với tháng trước và tăng 12,87 lần so với cùng tháng năm trước. 

Cộng dồn 10 tháng/2022, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 6.040,8 nghìn lượt, tăng 76,88% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 536,2 nghìn lượt, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành của các cơ sở trên địa bàn thành phố tháng 10/2022 ước đạt 2,2 nghìn lượt, giảm 53,59% so với tháng trước (cùng kỳ năm trước hoạt động lữ hành không có doanh thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Cộng dồn 10 tháng đầu năm 2022, lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 75 nghìn lượt, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ. 

8. Giao thông vận tải

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến tháng 10 đạt 9.538,2 tỷ đồng, tăng 4,65% so với tháng trước và tăng 8,55% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm ước đạt 85,591,7 tỷ đồng, tăng 17,66% so với cùng kỳ năm trước.

8.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 10 năm 2022 ước đạt 23,6 triệu tấn, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 10,69% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 10 tháng đầu năm năm 2022 đạt 224,5 triệu tấn, tăng 16,43% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 10 năm 2022 ước đạt 9.978,7 triệu tấn.km, tăng 1,86% so với tháng trước và tăng 2,43% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 10 tháng năm 2022 đạt 95.299,4 triệu tấn, tăng 10,83% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tháng 10 tăng so với tháng trước do các đơn vị chuẩn bị hàng cho Tết nên nhu cầu vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu trong tháng tăng nên các doanh nghiệp vận tải nhận được nhiều đơn hàng hơn tháng trước.

8.2. Vận tải hành khách

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 10 năm 2022 ước đạt 4,6 triệu lượt, tăng 3,03% so với tháng trước, tăng 127,2% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 10 tháng năm 2022 đạt 34,1 triệu lượt, tăng 19,17% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 10 năm 2022 đạt 194,6 triệu Hk.km, tăng 4,43% so với tháng trước, tăng 134,71% so với cùng tháng năm trước. Ước 10 tháng năm 2022 đạt 1.402,4 triệu Hk.km, tăng 19,18% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tháng 10 tăng so với tháng trước tăng chủ yếu ở khối đường bộ do nhu cầu khách đi lại bằng xe khách, taxi tăng; tuy nhiên lượng hành khách ven biển giảm mạnh do thời tiết vào mùa lạnh nên lượt khách tham quan, du lịch biển giảm so với tháng trước.

8.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10 năm 2022 ước đạt 4.686,5 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,31% so với cùng tháng năm trước. Ước 10 tháng năm 2022 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 40.943,5 tỷ đồng, tăng 15,94% so với cùng kỳ năm trước.

8.4. Sân bay Cát Bi

Tháng 10 năm 2022, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 27,8 tỷ đồng, tăng 4,02% so với tháng trước, tăng 21,78 lần so với cùng kỳ. Cộng dồn 10 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 257,6 tỷ đồng, tăng 2,99 lần so với cùng kỳ.

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 10 năm 2022 ước đạt 1.534 chuyến, giảm 3,88% so với tháng trước, tăng 16,14 lần so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 10 tháng, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 15.713 chuyến, tăng 2,59 lần so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách tháng 10 năm 2022 ước đạt 245 nghìn lượt người, giảm 1,63% so với tháng trước, tăng 30,62 lần so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 10 tháng/2022, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt 2.509,1 nghìn lượt người, tăng 3,37 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hàng hóa tháng 10 năm 2022 ước đạt 915 tấn, giảm 9,32% so với tháng trước. Cộng dồn 10 tháng/2022, tổng số hàng hóa ước đạt 9.284 tấn, tăng  33,93% so với cùng kỳ.

9. Hàng hoá thông qua cảng 

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 10 năm 2022 ước đạt 15.053,5 nghìn TTQ, tăng 3,62% so với tháng trước và tăng 15,33% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: 

- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước đạt 4.644,6 nghìn TTQ, tăng 4,93% so với tháng trước, tăng 2,91% so với cùng kỳ. 

- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 10.408,9 nghìn TTQ, tăng 3,05% so với tháng trước, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 10 tháng/năm 2022 ước đạt 128.273,6 nghìn tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ. 

* Doanh thu cảng biển tháng 10 năm 2022 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 528 tỷ đồng, tăng 1,49% so với tháng trước, tăng 7,67% so với cùng kỳ. Doanh thu cảng biển 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5.407,9 tỷ đồng, tăng 12,02% so với cùng kỳ năm 2021.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

Đại dịch Covid-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát so với thời điểm đầu năm 2022, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Trong tháng 10/2022, Sàn giao dịch việc làm tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm, có trên 100 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng trên 22.500 lượt lao động; cung lao động tại Sàn được 9.050 lượt người; tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ước cho 1.980 người, số người có quyết định hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 1.720 người. Ước cấp mới 600 giấy phép lao động, cấp lại 15 giấy phép lao động, gia hạn 07 giấy phép lao động, xác nhận 04 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Hướng dẫn tiếp nhận Thỏa ước lao động tập thể của 19 doanh nghiệp và ra thông báo thực hiện Nội quy lao động cho 08 doanh nghiệp. Không xảy ra đình công, tai nạn lao động trong kỳ báo cáo.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, ước tổ chức 28 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của trên 870 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 200.260 lượt lao động; cung lao động tại sàn được 90.850 lượt người. Số người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ước là 17.010 người, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm 2021; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 15.480 người, giảm 0,67% so với cùng kỳ năm 2021; qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 17.010 người, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm 2021. Ước cấp mới 3.850 giấy phép lao động, cấp lại 190 giấy phép lao động, gia hạn 45 giấy phép lao động, xác nhận 30 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Tiếp nhận và giải quyết 181 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, bao gồm 83 bộ thiết bị nâng, 122 bộ thiết bị áp lực. Tiếp nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt của 180 bộ hồ sơ của 174 đơn vị, doanh nghiệp khai báo. Triển khai kiểm tra công tác việc làm, an toàn, vệ sinh lao động và lao động nước ngoài: đã thực hiện việc kiểm tra 25 đơn vị, doanh nghiệp.

Đến thời điểm báo cáo, thành phố xảy ra 03 cuộc đình công, ngừng việc tập thể, khoảng 2.880 lao động tham gia; xảy ra 13 vụ tai nạn lao động làm chết 14 người.

* Công tác giáo dục nghề nghiệp 

Trong tháng 10/2022, báo cáo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất xét chọn 01 nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu được tôn vinh nhân ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 04/10/2022. Tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ các địa phương, cơ sở GDNN để tổng hợp, tham mưu thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghê cho lao đông nông thôn năm 2022.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, hoàn thành việc tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm thành phố năm 2022 với 34 thiết bị dự thi từ 11 cơ sở GDNN. Tổ chức thẩm thịnh trình UBND thành phố xếp hạng cho 05 cơ sở GDNN công lập thuộc thành phố. Báo cáo Tổng cục GDNN việc thực hiện quy định hệ thống đảm bảo chất lượng của cơ sở GDNN năm 2021 và kết quả tuyển sinh, đào tạo GDNN trên địa bàn thành phố năm 2021 theo quy định; đề xuất hồ sơ đề nghị tuyên dương học sinh, sinh viên GDNN xuất sắc, tiêu biểu năm 2022. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN cho 01 trường trung cấp; 01 Trung tâm GDNN và cho 03 doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động DNN cho 01 trường Trung cấp.

Đế thời điểm báo cáo, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố gồm 44 cơ sở GDNN (19 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN) và 25 cơ sở hoạt động GDNN (14 trung tâm GDNN và GDTX quận, huyện và 11 doanh nghiệp). Tuyển sinh GDNN ước đạt 44.750 học sinh - sinh viên, đạt 85% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 85,8% tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chứng chỉ, bằng cấp từ 3 tháng trở lên đạt 36,7% tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. 

* Công tác người có công

Trong tháng 10/2022, quyết định, đề nghị thực hiện chính sách đối với 297 trường hợp, gồm: trợ cấp mai táng phí đối với 203 người; trợ cấp hàng tháng đối với 78 người; chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với 16 người. Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 1.470 trường hợp. Xác nhận, công nhận người có công và quyết định cho hưởng chế độ đối với 38 trường hợp. 

Trong 10 tháng đầu năm 2022, giải quyết chế độ chính sách đối với 2.653 trường hợp, gồm: trợ cấp một lần đối với 2.030 người; trợ cấp hàng tháng đối với 225 người; chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với 398 người. Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 7.216 trường hợp. Xác nhận, công nhận người có công, quyết định cho hưởng chế độ đối với 269 trường hợp.

* Công tác Giảm nghèo - Bảo trợ xã hội

Trong tháng 10/2022, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố năm 2022 theo chuẩn nghèo quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2022-2025; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế các nhóm đối tượng xã hội giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố; hoàn thiện hồ sơ xây dụng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, đã tiếp nhận 93 đối tượng vào trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội. Tổng số lượng các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 755 người. Tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố đạt 315 lượt người. Tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 633/QĐ-UBND ngày 25/02/2022 phê duyệt phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố. Điều chỉnh tiêu chí tỷ lệ nghèo đa chiều trong Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Tổng hợp số liệu, đề nghị tặng quà chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi năm 2023.

* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Trong tháng 10/2022, tổ chức tiếp nhận, cai nghiện ma túy tập trung cho 83 người; số người nghiện ma túy đang quản lý tại các Cơ sở cai nghiện mà túy và Trườn Lao động xã hội Thanh Xuân là 831 người, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 20 người. Điều trị Methadone toàn thành phố (18 cơ sở) cho 3.967 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 06 cơ sở điều trị cho 1.209 người. Đoàn kiểm tra 178 thành phố đã tiến hành kiểm tra 05 buổi tại 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, qua kiểm tra Đoàn đã lập biên bản chuyển thanh tra chuyên ngành xử phạt 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ với tổng số tiền là 3,5 triệu đồng.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổ chức tiếp nhận, cai nghiện ma túy tập trung cho 1.514 lượt người (bằng 77,96% so với cùng kỳ năm trước); cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 220 người (bằng 115,18% so với cùng kỳ năm trước). Điều trị Methadone toàn thành phố (18 cơ sở) cho 3.967 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 06 cơ sở điều trị cho 1.428 người (bằng 98,69% so với cùng kỳ năm trước). Tổ chức xét nghiệm ma túy 02 đợt cho 84 đối tượng, kết quả có 23 trường hợp dương tính với chất ma túy. 

2. Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 10/2022, thành phố tiếp tuc chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 về Quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông và mầm non thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đên năm 2030; phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp, sát với thực tiễn. Chỉ đạo các đơn vị giáo dục triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hệ thống tuyển sinh đầu cấp; triển khai các phần mềm hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; phần mềm kiểm tra, đánh giá học sinh.

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 

* Công tác y tế dự phòng

Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19

Trong tháng 10/2022, thành phố chủ động nhận định tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới để tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với bối cảnh thực tế. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại và vắc xin cho các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn, hiệu quả; áp dụng linh hoạt công tác phòng chống dịch, từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không lơ là trong công tác chữa trị và cách ly những trường hợp mắc mới.    

*Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác

Tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong toàn thành phố ước tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022,  sốt xuất huyết ghi nhận 556 ca, tích lũy 10 tháng là 809 ca; bệnh thủy đậu ghi nhận 17 ca. Tích lũy 10 tháng là 107 ca; bệnh chân tay chân miệng ghi nhận 63 ca, tích lũy 10 tháng là 944 ca; bệnh quai bị ghi nhận 02 ca, tích lũy 10 tháng là 23 ca; bệnh tiêu chảy ghi nhận 116 ca, tích lũy 10 tháng là 787 ca; hội chứng lỵ ghi nhận 13 ca, tích lũy 10 tháng là 39 ca; cúm ghi nhận 353 ca, tích lũy 10 tháng là 1.868 ca; sởi không ghi nhận ca bệnh, tích lũy 10 tháng là 01 ca; bệnh liên cầu lợn ở người không ghi nhận ca bệnh; bệnh viêm não vi rút ghi nhận 02 ca, tích lúy 10 tháng là 14 ca. Đến thời điểm báo cáo, thành phố chưa ghi nhận ca nghi ngờ mắc Đậu mùa khỉ trên người.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Thành phố thực hiện kiểm tra định kỳ, với tổng số 57 cơ sở được kiểm tra, đã xử phạt 02 cơ sở với số tiền là 10 triệu đồng. Không kiểm thực hiện kiểm tra đột xuất trong tháng 10/2022.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, kiểm tra định kỳ với tổng số 49 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Đồ Sơn và Cát Bà năm đã xử phạt 02 cơ sở với số tiền 16 triệu đồng. Kiểm tra 47 cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền đã xử phạt 02 cơ sở với số tiền 25 triệu đồng.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Ước tính 10 tháng đầu năm 2022, số người nhiễm HIV mới là 87 người; số người chuyển sang AIDS là 17 người, số người tử vong là 25 người; số người nhiễm HIV hiện còn sống là 6.235 người. Số liệu dịch trong tháng báo cáo giảm về số nhiễm HIV và chuyển sang AIDS và số ca tử vong so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm báo cáo, Ngành y tế đang điều trị Methadone cho 2.791 bệnh nhân; đề án Thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đã cấp cho 685 bệnh nhân tại 08 cơ sở điều trị. 

4. Văn hóa - Thể thao 

Trong tháng 10/2022, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng chương trình, kế hoạch, báo cáo và các văn bản liên quan đến các lĩnh vực do ngành văn hóa quản lý, đồng thời tích cực tham gia ý kiến đối với các chương trình, kế hoạch và văn bản theo đề nghị của các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tài chính, tổ chức cán bộ, các chế độ chính sách đối với người lao động. Trong tháng, lĩnh vực văn hóa đã có những sự kiện đặc sắc diễn ra tại như: tại Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng (quận Đồ Sơn) diễn ra đêm Gala Sao Mai, khép lại giải Sao Mai 2022 với những khoảnh khắc ấn tượng, nhiều cảm xúc.  Hội đồng Nghệ thuật thành phố tổ chức thẩm định chương trình nghệ thuật Đêm nhạc Trần Hoàn với chủ đề “Hải Phòng-Miền cửa biển” do Đoàn Ca múa Hải Phòng chủ trì thực hiện; Khai mạc Lễ hội Văn hóa và Ẩm thực Bỉ tại Hải Phòng. Tại đền thờ Ca Công, Khu di tích đình, đền, chùa Đông Môn, thôn Đông Môn, xã Hòa Bình, UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức Lễ giỗ tổ nghề Ca Trù năm 2022.Bên cạnh đó, lĩnh vực thể thao cũng có những hoạt động nổi bật như: Khai mạc Giải Quần vợt các CLB thành phố Hải Phòng “Cúp CLB Dầu khí - Hải Long năm 2022”; nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần văn hóa, thể thao, du lịch “Cát Bà - Điểm hẹn bốn mùa”, UBND huyện Cát Hải phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức lễ khai mạc Giải bóng chuyền nữ Cúp Cát Bà Amatina lần thứ Nhất năm 2022; Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức bế mạc Giải bóng đá nữ năm 2022; tại sân vận động trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã diễn ra trận chung kết và Lễ trao thưởng Giải bóng đá vô địch các Câu lạc bộ thành phố Cúp Chuyên đề An ninh Hải Phòng - Nhựa Tiền Phong lần thứ 21 năm 2022.

5. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/9/2022 đến ngày 14/10/2022, toàn thành phố xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 03 người chết và 02 người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông giảm 01 vụ, số người chết giảm 03 người so với cùng kỳ năm trước, số người bị thương tăng 01 người so với cùng kỳ năm trước. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  

Trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt; các vụ tai nạn giao thông làm chết 39 người và bị thương 13 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 09 vụ với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm 16,36%), số người chết giảm 05 người (tương ứng giảm 11,36%) và số người bị thương giảm 15 người (tương ứng giảm 53,57%).

6. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/9/2022 đến ngày 14/10/2022, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 06 vụ cháy, không có người chết và người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác minh.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 61 vụ cháy, giảm 09 vụ so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 12,86%), làm 03 người chết và 03 người bị thương, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 8,1 ha, các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây